Kiến trúc Việt Nam ngày càng phát triển và có nhiều công trình vi mô Quốc tế.
Có lẽ quá trình hoàn thiện, trang bị đồ đạc, sắm sửa nội thất cho tổ ấm khi nhà vừa xây xong là việc tạo “phấn khích” nhiều nhất cho gia chủ. Thế nhưng, để thực hiện trọn vẹn điều này, bên cạnh tự tìm hiểu, cập nhật thông tin, gia chủ cũng nên có sự tư vấn, trao đổi chi tiết với người thiết kế để việc lựa chọn, mua sắm đồ nội thất được hiệu quả nhất.
Tôi thấy khá nhiều gia chủ hiện nay sử dụng internet và các showroom nội thất là hai kênh tham khảo nhằm hình thành ý tưởng và hiện thực hóa các ý tưởng trong trang hoàng nhà cửa. Khác với phần xây dựng thô chủ yếu phải cậy nhờ kỹ sư và nhà thầu, phần mua sắm đồ đạc trưng bày nhà cửa luôn thể hiện những gì họ thấy trực quan nhất, khi ngôi nhà đã thành hình cụ thể, hoặc là căn hộ chung cư thì đã bàn giao phần xây dựng cơ bản. Việc mua sắm đồ nội thất còn kèm theo niềm vui được “dạo chợ” ngắm nhìn, được cầm nắm kiểm tra tận tay món hàng, thậm chí có thể đề nghị chỉnh sửa, đặt hàng theo ý riêng… mà khi chọn vật tư ở phần thô hầu như không có. Do đó, nhà chuyên môn sẽ vất vả hơn trong khâu “đi chợ” cùng gia chủ vì hiện nay kênh tham khảo khá nhiều và dễ dàng, đội ngũ bán hàng và tư vấn tại các showroom cũng chuyên nghiệp hơn xưa.
Vấn đề còn lại, nếu có, hay nằm ở xu hướng theo từng thời điểm cụ thể, và đây là vấn đề phù hợp hay không, tùy thuộc nhiều vào xu hướng xã hội, chứ không đơn thuần về thẩm mỹ hay giá cả. Theo quan sát của tôi, tuy có nhiều xu hướng đồ đạc “chưng diện” nhà cửa hay được gia chủ chọn lựa, nhất là dịp lễ hội cuối năm, nhưng gom lại có thể kể đến một số xu hướng đang hút khách hiện nay. Một là khuynh hướng săn đồ “độc” và mang được dấu ấn cá nhân, gia đình, ví dụ như sắm kệ tủ chưng vật lưu niệm hay đồ kỷ niệm khi đi du lịch… là niềm tự hào của các gia đình. Người thiết kế nào cũng cần trân trọng và nên tạo “cơ sở hạ tầng” khéo léo ở phần xây dựng để gia chủ có chỗ xếp đặt được các đồ lạ, đồ độc trong phòng sinh hoạt hay phòng khách.
Hai là xu hướng chọn đồ dùng theo phong thủy, hợp tuổi như kiểu “12 con giáp”. Các vật dụng trang trí theo phong thủy có thể tạm phân ra làm 3 loại chính theo chức năng và cách dùng là vật treo, vật trưng bày và vật sử dụng. Cuối năm cũ đầu năm mới theo tập quán phương Đông chúng ta hay treo hình, đặt tượng con giáp cho năm mới nhiều may mắn, tươi vui, đồng thời những dạng đồ mang tính điểm nhấn đặt chỗ trang trọng như phòng thờ, tiền sảnh mà có ý nghĩa phong thủy cũng hay được gia chủ lựa chọn vào dịp cuối năm. Ba là vật dụng mang phong cách dân gian, đồ có nguồn gốc chất liệu thân thiện môi trường như dừa và lục bình, giấy và nhựa tái chế. Nhóm sản phẩm này có thể thuần túy là đồ trang trí như chân đèn, bình bông, phù điêu… càng giữ nguyên được phong cách chế tác thô mộc càng hút hàng. Các khối vật dụng nhỏ như kệ sách, tủ giày, ghế mây… nếu được thiết kế tinh giản, ít góc cạnh và giảm thiểu chi tiết rườm rà thì cũng được giới trẻ khá ưa chuộng.
Tất nhiên để “lên đồ” cho nhà đẹp luôn cần hội tụ nhiều yếu tố như có được vị trí và thiết kế ban đầu hợp lý, bố cục đồ đạc với không gian hài hòa, và tạo tính liên kết tốt với toàn nhà.